Sử dụng an toàn thuốc Lidocain (Lidocain 40mg/2ml; Lidocain 10% 38g)
Lidocain là thuốc gây tê tại chỗ có tác dụng trung bình. Thuốc
tê tại chỗ phong bế cả sự phát sinh và dẫn truyền xung động thần kinh bằng cách
giảm tính thấm của màng tế bào thần kinh với ion natri ,kết quả là phong bế sự phát sinh, sự dẫn truyền xung
động thần kinh, tạo hiệu ứng gây tê.
Lidocain là thuốc chống loạn nhịp, chẹn kênh Na+, được dùng tiêm tĩnh
mạch để điều trị loạn nhịp tâm thất. Lidocain làm giảm nguy cơ rung tâm thất ở
người nghi có nhồi máu cơ tim.
Liều lượng và cách dùng:
Gây tê tại chỗ niêm mạc mũi, miệng,
họng, khí phế quản, thực quản và đường niệu - sinh dục: Bôi trực tiếp dung dịch lidocain hydroclorid (2% -
10%). Liều tối đa an toàn để gây tê tại chỗ cho người lớn cân nặng 70 kg là 500
mg lidocain.
Gây tê từng lớp: Tiêm trực tiếp vào mô thuốc tiêm lidocain hydroclorid
(0,5% - 1%); khi không pha thêm adrenalin: Liều lidocain tới 4,5 mg/kg; khi có
pha thêm adrenalin: có thể tăng liều này thêm một phần ba (7 mg/kg).
Gây tê phong bế vùng: Tiêm dưới da dung dịch lidocain hydroclorid với cùng
nồng độ và liều lượng như gây tê từng lớp.
Gây tê phong bế thần kinh: Tiêm dung dịch lidocain vào hoặc gần dây thần kinh
hoặc đám rối thần kinh ngoại vi có tác dụng gây tê rộng hơn so với những kỹ
thuật nêu trên. Ðể phong bế trong 2 - 4 giờ, có thể dùng lidocain (1% - 1,5%)
với liều khuyến cáo ở trên (xem gây tê từng lớp).
Ðiều trị cấp tính loạn nhịp thất: Ðể tránh sự mất tác dụng có liên quan với phân bố,
dùng chế độ liều nạp 3 - 4 mg/kg trong 20 - 30 phút, ví dụ, dùng liều ban đầu
100 mg, tiếp theo cho liều 50 mg, cứ 8 phút một lần cho 3 lần; sau đó, có thể
duy trì nồng độ ổn định trong huyết tương bằng tiêm truyền 1 - 4 mg/phút, để
thay thế thuốc bị loại trừ do chuyển hóa ở gan. Thời gian đạt nồng độ lidocain
ở trạng thái ổn định là 8 - 10 giờ.
Tác
dụng không mong muốn:
Khi gây tê, tùy theo liều sử dụng và đường
dùng thuốc mà các tác dụng không mong muốn có thể gặp là nhức đầu, hạ huyết áp,
khó thở, loạn nhịp tim, block tim, trụy tim mạch, ngủ lịm.
Với liều điều trị thông thường, lidocain
ít ảnh hưởng đến thần kinh giao cảm, nhưng nếu liều cao, nó ức chế giao cảm,
dẫn tới ức chế sự co bóp của cơ tim, giảm nhịp tim, giảm sức cản ngoại vi, hạ
huyết áp, nặng hơn là trụy mạch. Với người mẫn cảm, có thể gây dị ứng viêm da,
co thắt phế quản, có thể gây shock phản vệ.
Xử trí: Ðối với phản ứng toàn thân do hấp thu quá mức: Duy
trì thông khí, cho 100% oxygen, và thực hiện hô hấp hỗ trợ hoặc chỉ huy, khi
cần. Ở một số người bệnh, có thể cần phải đặt ống nội khí quản. Ðối với suy
tuần hoàn: Dùng một thuốc co mạch và truyền dịch tĩnh mạch. Ðối với chứng
methemoglobin huyết: Cho xanh methylen (1 - 2 mg/kg thể trọng tiêm tĩnh mạch).
Ðối với co giật: Cho một thuốc chống co giật benzodiazepin (Lưu ý tác dụng
ức chế hô hấp, tuần hoàn của thuốc chống co giật)
Lưu ý khi sử dụng:
- Trước khi gây tê phải chuẩn bị sẵn các
phương tiện cấp cứu nhằm phòng các phản ứng phụ liên quan đến thần kinh, hô
hấp, tim mạch.
- Dùng phối hợp với chất co mạch như
adrenalin sẽ kéo dài thời gian gây tê, giảm liều lidocain. Nhưng tránh
phối hợp này khi gây tê gần ngón tay hay quy đầu vì có thể gây hoại tử.
- Không dùng chế phẩm lidocain chứa chất bảo quản để gây tê tủy sống,
gây tê ngoài màng cứng, hoặc khoang cùng.
- Khi gây tê cần làm đúng kỹ thuật để không tiêm thuốc vào tĩnh mạch.
Nếu tiêm thuốc lạc vào mạch máu dễ gây ra các tác dụng phụ trên tim mạch. Đặc
biệt nếu tiêm vào mạch máu vùng dưới nhện, vùng đầu, cổ, hậu nhãn cầu, quanh
chân răng... dễ gây nguy cơ ngừng hô hấp.
- Khi dùng lidocain để giảm đau trong sản khoa, ít tác dụng phụ. Tuy
nhiên, khi phong bế cạnh cổ tử cung có thể gây chậm nhịp tim thai, liều cao có
thể gây chết thai.
- Dùng hết sức thận trọng cho người có bệnh gan, suy tim, thiếu oxygen
máu nặng, suy hô hấp nặng, giảm thể tích máu hoặc sốc, blốc tim không hoàn toàn
hoặc nhịp tim chậm, và rung nhĩ.
- Dùng thận trọng ở người ốm nặng hoặc suy nhược, vì dễ bị ngộ độc toàn
thân với lidocain.
- Không được tiêm thuốc tê vào những mô bị viêm hoặc nhiễm khuẩn và
không cho vào niệu đạo bị chấn thương vì trong điều kiện như vậy, thuốc sẽ được
hấp thu nhanh và gây phản ứng toàn thân thay vì phản ứng tại chỗ.
Tài liệu tham khảo: 1. Dược thư Quốc gia VN 2009
2. Tạp chí cảnh giác dược và thông tin thuốc năm 2015